Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Giới thiệu sách Tam quốc diễn nghĩa - Giá 260.000 đ

Hãy sở hữu ngay Trọn bộ 02 tập Tam Quốc Diễn Nghĩa - Tiểu thuyết lịch sử kinh điển Trung Quốc, phát hành bởi Nhà sách Đông Tây.
Bộ sách gồm 02 tập được in gọn lại theo đúng bản cũ 13 tập của Nhà xuất bản Phổ thông năm 1959. Đặc biệt, tặng kèm bạn đọc 40 trang phụ bản màu với hơn 100 nhân vật và bản đồ Tam quốc.
- Sự hấp dẫn của tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Tam Quốc Diễn Nghĩa là một trong 4 kiệt tác của văn học cổ điển Trung quốc, bao gồm: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, Tây Du Ký và Hồng Lâu Mộng. Tiểu thuyết này được sáng tác vào thế kỉ XIV, mặc dù đã trải qua hơn 700 năm nhưng nội dung và tư tưởng của tác phẩm này vẫn còn sức hấp dẫn trường tồn đối với nhân thế ngày nay.
Tác phẩm có quy mô đồ sộ về dung lượng, hoành tráng về bối cảnh không gian và thời gian, đông đảo về số lượng nhân vật, hừng hực kịch tích theo những biến cố lịch sử thời bấy giờ. Nhờ đó, La Quán Trung đã giúp người đọc hậu thế khái quát được một giai đoạn lịch sử phức tạp trong thời Tam quốc (220 - 280).
Với rất nhiều sự kiện chằng chịt, những mối quan hệ phức tạp, cuốn tiểu thuyết không những cho người đọc hình dung đầy đủ và sinh động về một thời đại trước khi Trung Hoa thống nhất, mà còn thể hiện thành công những tính cách sống động, tạo dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc. Truyện còn hàm ẩn những tư tưởng mang tính triết học từ những lời thoại của các nhân vật, đem đến cho mỗi người những suy ngẫm sâu sắc.
Cảnh kết nghĩa vườn đào
Tam anh chiến Lã Bố
Tam Quốc Diễn Nghĩa là tiểu thuyết sử thi nên giọng điệu chủ yếu là ca ngợi hay châm biếm hài hước để phê phán. Khoa trương phóng đại để ca ngợi những kỳ tích của các anh hùng hảo hán cũng như phóng đại những khó khăn hiểm trở để thử thách tài năng võ nghệ của các anh hùng. Các nhân vật luôn có vóc dáng khác người, những hành động phi thường và tâm hồn họ cũng khác với người thường
Tào Tháo, Lưu Bị luận anh hùng
Tào Tháo (Mạnh Đức)
Gia Cát Lượng (Khổng Minh)
Ngôn ngữ của Tam Quốc Diễn Nghĩa là sự kết hợp giữa văn ngôn và bạch thoại, sử dụng được ngôn từ thông dụng trong nhân dân. Cùng với lối kể chuyện khéo léo, đối thoại sinh động và sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, chuyện lịch sử v.v... nên đã tạo cho tác phẩm một vẻ đẹp hấp dẫn vừa bác học và dân dã.
- Về tác giả La Quán Trung.
La Quán Trung (sinh và mất trong khoảng 1330 - 1400, cuối đời Nguyên, đầu đời Minh), là người rất giỏi về từ khúc, câu đối, kịch nhưng nổi tiếng nhất với tiểu thuyết dã sử. Xuất thân từ gia đình quý tộc, sớm có mưu đồ sự nghiệp bá vương nhưng thời cuộc loạn lạc, hoài bão không thành, ông quyết định sống phiêu lãng, thỏa chí tang bồng, vì thế mà có biệt danh "Hồ Hải tản nhân". Chính trong thời gian này, ông đã sưu tầm các câu chuyện lịch sử về thời Tam quốc và biên soạn thành một bộ sách toàn bích về nghệ thuật, hoàn chỉnh về cấu tứ và thâm hậu về nội dung.
- Về dịch giả Phan Kế Bính.
Phan Kế Bính (1875 - 1921), sinh tại Thụy Khuê, Tây Hồ, lấy tên hiệu Tử Văn, bút danh Liên Hồ Tử, là một nhà báo, nhà văn, dịch giả nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Xuất thân Nho học, ông dành cả cuộc đời cho việc dạy học, dịch và biên khảo các sách chữ Hán, gắn bó mật thiết với tờ Đông Dương tạp chí. Các tác phẩm của ông có thể kể đến ở đây như: sách biên khảo (Việt Nam phong tục, Hán Việt văn khảo,…), dịch thuật (Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam khai quốc chí truyện, Đại Nam liệt truyện chỉnh biên, Tam quốc diễn nghĩa,…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét